Diễn đàn lớp B09K1.2&1.3
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP Công cụ tạo dựng lợi thế cạnh tranh

Go down

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP Công cụ tạo dựng lợi thế cạnh tranh Empty TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP Công cụ tạo dựng lợi thế cạnh tranh

Bài gửi by MrJohn Wed Aug 26, 2009 4:34 pm

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility hay CSR) đuợc hiểu là "sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội".1 Những doanh nghiệp (DN) mong muốn phát triển bền vững luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng v.v.
Các DN có thể thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách đạt một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ Qui tắc ứng xử (Code of Conduct hay gọi tắt là CoC); thực tế, một số DN Việt Nam đã làm được như vậy.2 Tuy nhiên những DN nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chưa có khả năng đạt những chứng chỉ này vẫn có thể có được những lợi ích cụ thể trong kinh doanh nếu tự nguyện áp dụng những tiêu chuẩn về CSR.

CSR ở Việt Nam

Khái niệm CSR còn tương đối mới ở Việt Nam, vì vậy việc thực hiện cho đến nay vẫn còn hạn chế. Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, rào cản và thách thức cho việc thực hiện CSR bao gồm: 1) nhận thức về khái niệm CSR còn hạn chế; 2) năng suất bị ảnh hưởng khi phải thực hiện đồng thời nhiều bộ CoC; 3) thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR (đặc biệt là đối với các DNNVV); 4) sự nhầm lẫn do khác biệt giữa qui định của CSR và Bộ luật Lao động; 5) những quy định trong nước ảnh hưởng tới việc thực hiện các CoC.3

Trong những điều kiện khó khăn như vậy, các DNNVV có nên quan tâm đến CSR không và vì sao? Câu trả lời là nên! Bởi lẽ những người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu ngày càng quan tâm hơn tới ảnh hưởng của việc toàn cầu hoá đối với quyền của người lao động, môi trường và phúc lợi cộng đồng. Những DN không tuân thủ CSR có thể sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

Một số ví dụ về lợi ích của việc thực hiện CSR

Những DN thực hiện CSR đã đạt được những lợi ích đáng kể bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới. Dưới đây là một số ví dụ minh họa với mục đích giúp các DNNVV Việt Nam có được nhận thức tốt hơn về CSR và để họ có thể đưa CSR vào hoạt động nhằm mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, cho môi trường và cho xã hội.

Giảm chi phí và tăng năng suất

DN có thể tiết kiệm chi phí bằng cách sản xuất sạch hơn. Ví dụ, một DN sản xuất bao bì lớn của Ba Lan đã tiết kiệm được 12 triệu Đô la Mỹ trong vòng 5 năm nhờ việc lắp đặt thiết bị mới, nhờ đó làm giảm 7% lượng nước sử dụng, 70% lượng chất thải nước và 87% chất thải khí.

Một hệ thống quản lý nhân sự hiệu quả cũng giúp cắt giảm chi phí và tăng năng suất lao động đáng kể. Lương thưởng hợp lý, môi trường lao động sạch sẽ và an toàn, các cơ hội đào tạo và chế độ bảo hiểm y tế và giáo dục đều góp phần tăng lợi nhuận cho DN bằng cách tăng năng suất lao động, giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ, bỏ việc, và giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Tăng doanh thu

Đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương có thể tạo ra một nguồn lao động tốt hơn, nguồn cung ứng rẻ và đáng tin cậy hơn, và nhờ đó tăng doanh thu. Hindustan Lever, một chi nhánh của tập đoàn Unilever tại ấn Độ, vào đầu những năm 1970 chỉ hoạt động được với 50% công suất do thiếu nguồn cung ứng sữa bò từ địa phương, và do vậy đã lỗ trầm trọng. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã thiết lập một chương trình tổng thể giúp nông dân tăng sản lượng sữa bò. Chương trình này bao gồm đào tạo nông dân cách chăn nuôi, cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản và thành lập một ủy ban điều phối những nhà cung cấp địa phương. Nhờ chương trình này, số lượng làng cung cấp sữa bò đã tăng từ 6 tới hơn 400, giúp cho công ty hoạt động hết công suất và đã trở thành một trong những chi nhánh kinh doanh lãi nhất tập đoàn.

Rất nhiều công ty sau khi có được chứng chỉ về CSR đã tăng được doanh thu đáng kể. Ví dụ, Aserradero San Martin, một công ty sản xuất đồ gỗ ở Bolivia, sau khi có chứng chỉ bảo vệ rừng bền vững (FSC) đã tiếp cận được thị trường Bắc Mỹ và bán sản phẩm với giá cao hơn từ 10-15%.

Nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty

CSR có thể giúp DN tăng giá trị thương hiệu và uy tín đáng kể. Uy tín giúp DN tăng doanh thu, hấp dẫn các đối tác, nhà đầu tư, và người lao động. Những tập đoàn đa quốc gia như The Body Shop (tập đoàn của Anh chuyên sản xuất các sản phẩm dưỡng da và tóc) và IKEA (tập đoàn kinh doanh đồ dùng nội thất của Thụy Điển) là những ví dụ điển hình. Cả hai công ty này đều nổi tiếng không chỉ vì các sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý của mình mà còn nổi tiếng là các DN có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Thu hút nguồn lao động giỏi

Nguồn lao động có năng lực là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. ở các nước đang phát triển, số lượng lao động lớn nhưng đội ngũ lao động đạt chất lượng cao lại không nhiều; do vậy việc thu hút và giữ được nhân viên có chuyên môn tốt và có sự cam kết cao là một thách thức đối với các DN. Những DN trả lương thỏa đáng và công bằng, tạo cho nhân viên cơ hội đào tạo, bảo hiểm y tế và môi trường làm việc sạch sẽ có khả năng thu hút và giữ được nhân viên tốt.

Grupo M, một công ty dệt cỡ lớn ở Cộng hoà Đô-mi-ních, đã tổ chức đưa đón công nhân, có trung tâm y tế chăm sóc sức khoẻ cho công nhân và gia đình họ, tổ chức đào tạo công nhân và trả lương gấp đôi mức lương tối thiểu do quốc gia này qui định. Tổng Giám đốc, đồng thời là sáng lập viên của công ty, không lo lắng nhiều về những chi phí này mà cho rằng đó là khoản đầu tư sáng suốt. ông nói "tất cả những gì chúng tôi dành cho người lao động đều đem lại lợi ích cho công ty - đó là hiệu quả công việc, chất lượng sản phẩm, lòng trung thành và sự sáng tạo."

Ví dụ ở Việt Nam

Trong mấy năm gần đây, chủ yếu do yêu cầu của đối tác mua hàng nước ngoài, một số DN Việt Nam đã thực hiện các chương trình CSR. Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây trên 24 DN thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã chỉ ra rằng nhờ thực hiện các chương trình CSR, doanh thu của các DN này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.4 Ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao.

(1) Định nghĩa của Nhóm Phát triển Kinh tế Tư nhân của Ngân hàng Thế giới. Xem www.worldbank.org/privatesector/csr/index.htm. Phát triển bền vững, với những nguyên tắc chính của CSR là một mục tiêu hàng đầu của IFC. Các ví dụ minh họa trong Bản tin này được trích từ báo cáo "Phát triển Giá trị: Những ví dụ điển hình về phát triển bền vững tại các thị trường đang nổi lên". Có thể tham khảo thêm thông tin về phương thức phát triển bền vững của IFC theo địa chỉ www.ifc.org/sustainability.
(2) Một số chứng chỉ phổ biến như SA 8000 (tiêu chuẩn lao động trong các nhà máy sản xuất), WRAP (trách nhiệm toàn cầu trong ngành sản xuất may mặc), FSC (bảo vệ rừng bền vững), và ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường trong doanh nghiệp). Những tập đoàn lớn như Nike, Timberland, Gap, IKEA... có bộ CoC riêng mà họ thường yêu cầu nhà cung ứng của họ phải tuân thủ.
(3) Twose, Nigel và Tara. "Tăng cường sự tham gia của chính phủ các nước đang phát triển trong vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp". Ngân hàng Thế giới, 2003.
(4) Đào Quang Vinh, Báo cáo tóm tắt nghiên cứu CSR tại các doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 2003.
MrJohn
MrJohn
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 265
Reputation : 10
Join date : 26/08/2009
Age : 40
Đến từ : Đà Nẵng

https://lopb09k12.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết